Năng lượng hút vốn nhà đầu tư ngoại

Năng lượng hút vốn nhà đầu tư ngoại

(NDH) Dường như các nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn ra những tiềm năng lớn trong ngành thiết yếu này tại Việt Nam. Lĩnh vực năng lượng đứng vị trí thứ hai về thu hút vốn FDI kể từ đầu năm với giá trị 2,78 tỉ USD, chiếm 13,7%.

Bất ngờ khi nhìn vào danh sách các lĩnh vực thu hút nguồn vốn nhà đầu tư nước ngoài (FDI) nhiều nhất trong năm nay. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, tổng sổ vốn FDI đăng kí và cấp mới trong 11 tháng đầu năm đã lên đến hơn 20 tỉ USD, tăng mạnh 16% so với cùng kì năm trước nhưng điều đáng chú ý là không giống như mọi năm, lĩnh vực năng lượng đã chiếm vị trí thứ hai của bất động sản với giá trị 2,78 tỉ USD, chiếm 13,7%. Ngành năng lượng chỉ đứng sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo về thu hút vốn FDI.

Dường như các nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn ra những tiềm năng lớn trong ngành thiết yếu này tại Việt Nam. Đáng kể nhất trong số các dự án điện năng là siêu nhà máy nhiệt điện Duyên hải 2 ở Trà Vinh do tập đoàn Janakuasa Sdn. Bhd (Malaysia) đầu tư với giá trị lên đến 2,1 tỉ USD.

Nhưng không dừng lại ở đó, trong các năm sau, các nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng dường như vẫn rất lớn khi ngày càng nhiều các tập đoàn nước ngoài đến khảo sát môi trường đầu tư Việt Nam và nhận ra cơ hội.

Điển hình là tập đoàn Posco Engergy mới đây đã kí biên bản ghi nhớ với tỉnh Quảng Ninh để triển khai dự án nhiệt điện có tổng công suất 1.200 MW. Sau khi xây dựng gần xong nhà máy đầu tiên tại Việt Nam, tập đoàn AES của Mỹ cũng đang thăm dò dự án mới tại Quảng Ninh. Tập đoàn Samsung kí biên bản ghi nhớ với Bộ Công thương để phát triển dự án BOT Nhiệt điện Vũng Áng 3 trong khi tổ hợp nhà đầu tư Kepco-Vinakobalt có tiềm năng trở thành các nhà đầu tư chính thức cho dự án BOT nhiệt điện Long An II có giá trị lên đến 3,1 tỉ USD.

Bên cạnh các doanh nghiệp ngoại, các doanh nghiệp nội cũng có kế hoạch phát triển các dự án cho riêng mình. Bên cạnh tập đoàn điện lực Việt Nam (PVN), nhiệt điện Nhơn Trạch 2 đang lên kế hoạch triển khai thêm nhà máy thứ ba để nâng công suất lên gấp đôi so với hiện nay. Tập đoàn Tân Tạo mới đây đã kí MOU với Bộ Công thương để triển khai dự án nhiệt điện tại Kiên Lương (Kiên Giang) trị giá 6,7 tỉ USD sau nhiều năm trì hoãn vì chưa thu xếp được nguồn vốn. Mặc dù vây, với tiềm lực hạn chế của các nhà đầu nội thì vai trò các doanh nghiệp ngoại là quan trọng để thúc đẩy ngành điện năng phát triển.

Theo ông Oliver Massamnn - Tổng giám đốc của công ty tư vấn Duanne Morris Vietnam – xu hướng đầu tư mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài là do các động thái cởi mở hơn của Chính phủ theo các cam kết quốc tế về tiếp cận thị trường cũng như cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Một trong những điều quan trọng nhất thu hút mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài là từ 2016, Việt Nam sẽ bắt đầu triển khai đề án thị trường bán buôn cạnh tranh, và từ 2022 trở đi sẽ là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. “Khi đó ngoài người mua duy nhất hiện nay là EVN, các doanh nghiệp sản xuất điện có thể bán sản phẩm trực tiếp đến các doanh nghiệp, các hộ dân”, Tiến sĩ Hoàng Xuân Quốc- tổng giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 chia sẻ với người viết.

Dù mới niêm yết hồi đầu năm nay nhưng Cổ phiếu của Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 niêm yết đã nhanh chóng lọt vào danh mục của các quỹ đầu tư Dragon Capital, VFM, lọt vào chỉ số VN30 index của HOSE cũng như chỉ số VNM ETF.

Ngành điện thật sự rất hấp dẫn, nhất là bình quân tiêu thụ điện trên đầu người của Việt Nam vẫn còn kém xa so với các quốc gia lân cận, đồng thời tốc độ tăng trưởng kinh tế đang dần cải thiện khiến nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng lên mạnh mẽ.

Theo quy hoạch điện VII của chính phủ, nếu GDP Việt Nam tăng ở ở mức 7 – 8% trong giai đoạn 2011 – 2030 thì nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng ít nhất là 12,1%. Chỉ tính riêng từ đây đến 2020, Việt Nam cần có thêm 30.000 MW điện mới, tương đương với khoảng 8 tỉ USD vốn đầu tư hằng năm. Dĩ nhiên đây là một thách thức lớn vì tính đến 2014, quy mô sản xuất điện của Việt Nam chỉ mới khoảng 34.000 MW.

Sự cạnh tranh là yếu tố then chốt để mang lại hiệu quả. Theo ông Oliver Massamnn, việc tự do hóa của thị trường bán buôn điện có thể sẽ giúp giảm giá bán điện vì sự cạnh tranh. Nếu Việt Nam thực hiện tốt các chính sách mang tính dài hạn như thực hiện hợp đồng mua bán điện (PPA) hoặc chính sách bảo lãnh vay vốn của chính phủ (GGU) sẽ càng thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia vào ngành.

Theo công ty chứng khoán Bản Việt, giá bán lẻ điện tại Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua để lên mức 7,3 cent/kWh vào 2015 nhưng vẫn thấp so với các quốc gia khác như Campuchia, Thái Lan và Singapore. Do đó những năm sau, giá điện vẫn tiếp tục tăng theo lộ trình để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia khi lợi nhuận được đảm bảo. Dự kiến đến 2020 một kWh điện sẽ có giá khoảng 8-9 cent/kWh.

Tuy nhiên, nếu tính trên thu nhập bình quân đầu người thì giá điện ở Việt Nam đang được xem là khá đắt đỏ, đây là một trong những lý do nhà nước vẫn giữ cơ chế trợ giá chéo nhằm hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng đối với các doanh nghiệp FDI, giá điện ở nước ta vẫn còn rất thấp và họ sẵn sàng trả thêm 15% cho chi phí điện năng, miễn là chất lượng nguồn điện được đảm bảo và ổn định hơn, theo khảo sát của công ty chứng khoán FPTS.