Hàng loạt chai Dr Thanh bất thường: "Đây là hiện tượng chung"

Đó là khẳng định của đại diện công ty có nhãn hàng Dr Thanh khi nói về tình trạng sản phẩm bị hỏng, nổi lợn cợn.

(Ảnh: Infonet)

Dr Thanh bất thường ở Cà Mau: Không nghi ngờ có “kẻ” chơi xấu

Suốt mấy năm qua, sản phẩm Dr Thanh của Tân Hiệp Phát liên tục bị phát hiện lỗi “dị vật lạ” như nước bị lên men, sủi bọt, lợn cợn ở bên trong, tuy nhiên, cho đến nay, Tập đoàn này vẫn chưa có biện pháp khắc phục.

Mới đây, tại TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau, cơ quan chức năng phát hiện tổng cộng đến 79 chai Dr Thanh có dấu hiệu bất thường.

Cụ thể, tại quán cà phê là 7 chai, còn ở tiệm tạp hóa là 72 chai Dr Thanh có chứa chất lợn cợn, có chai như chứa men giấm…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phan Huy Khôi, Giám đốc Đối ngoại Tập đoàn Number 1 (Tân Hiệp Phát) cũng thừa nhận: "Việc sản phẩm Dr Thanh có hiện tượng bợn dấm không phải là mới.

Trước đây cũng đã có nhiều lần phát hiện chai Dr Thanh bị bợn giấm".

Tuy nhiên, việc xuất hiện cùng lúc nhiều sản phẩm có xuất hiện lợn cợn tại Cà Mau như ngày 14/12, theo ông Khôi “là bất thường vì tần suất xuất hiện nhiều và thời điểm xuất hiện các chai sản phẩm vài ngày nay.

Đồng thời các trang mạng được seeding dày đặc bằng những nick ảo vừa được tạo 2-3 ngày trước".

Cà Mau: Có đến 79 chai Dr Thanh bị lợn cợn bất thường.

Vị đại diện này nói: “Vì thời điểm này, chưa bên nào có đủ dữ liệu, hiện tại mới chỉ phát hiện sự cố như thế và mới chỉ kiểm tra mẫu lưu sản phẩm cùng lô và kiểm tra ngoại quan bằng mắt thường”.

Ông cũng cho biết, phía công ty không nghi ngờ có trường hợp làm giả hoặc có đối thủ “chơi xấu” phía sau.

“Muốn phá có nhiều cách nhưng chúng tôi không nghĩ có chuyện phá phách gì ở đây. Hơn nữa phải xem xét trường hợp cụ thể”, ông nhấn mạnh.

Không phải lần đầu tiên phát hiện hàng loạt sản phẩm bị lỗi

Việc phát hiện ra hàng loạt sản phẩm bị lỗi không phải là sự cố lần đầu tiên của Tân Hiệp Phát.

Còn nhớ vào tháng 11/2011 , Công ty Thái Lân - một khách hàng phía Nam của Tân Hiệp Phát đã mua phải lô hàng với hàng ngàn chai Dr Thanh bị hỏng, vẩn đục, nước sủi bọt hoặc bên trong chai có dị vật.

Theo đó, hơn 120 thùng trà Dr Thanh (gần 3.000 chai loại pet 500ml), ngày sản xuất 24/5/2011 và thời hạn sử dụng trong vòng 1 năm, còn nguyên niêm phong nắp của đơn vị sản xuất nhưng đều không đảm bảo chất lượng.

Năm 2012, anh Lê Cao Tánh (ngụ số 54 đường Bùi Thị Xuân, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) sau khi uống Dr Thanh bị đau bụng đã kiểm tra số Dr Thanh đã mua còn lại thì phát hiện 2 chai chưa khui có chất lạ bên trong màu nâu kết tủa thành cục đặc quánh.

Sau đó, khách hàng này đã gửi đơn đến Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh yêu cầu xác minh làm rõ chất lạ có trong 2 chai Dr.Thanh 350ml có hạn sử dụng đến 22/8/2013.

Hay như trường hợp của bà Tất Tố Mai, chủ quán cà phê Hàng Hải (số 70 đường Hạ Long, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng vậy.

Cuối tháng 12/2012, bà có phản ánh về tình trạng 7 chai Dr Thanh bên trong chai chứa vật thể lạ, nước bị lên men, sủi bọt.

Rồi đến ngày 11/3/2015, quán cà phê Mộc do chị Thúy Nga làm chủ nằm trên địa bàn xã Mỹ Xuân (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng phát hiện nhiều chai nước Dr Thanh có cặn giống như giấm lên men.

Cả ngàn chai Dr Thanh đã từng bị lỗi "vật thể lạ" vào năm 2011 (Ảnh: Dân Việt)

Bác bỏ nghi ngờ có đối thủ “phá phách sau lưng”, cũng như nhiều lần giải quyết các sự cố trong quá khứ, câu trả lời cho các sự cố trên của Tân Hiệp Phát luôn xoay quanh nguyên nhân do khâu bảo quản và trách nhiệm thuộc về đại lý.

Đại diện của Tân Hiệp Phát, Giám đốc Đối ngoại Nguyễn Phan Huy Khôi khẳng định: Có thể hoàn toàn loại bỏ nguyên nhân từ quá trình sản xuất.

Ông giải thích với chúng tôi: "Sản phẩm Dr Thanh của Tân Hiệp Phát được sản xuất trên dây chuyền Aseptic khép kín vô trùng, hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản, và được đóng trong chai Pet.

Thiết bị công nghệ này giúp kiểm soát đảm bảo tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, tuy nhiên hạn chế là có thể bị lọt khí nếu bảo quản hoặc vận chuyển, bốc xếp sai quy cách, bị chèn ép với lực mạnh, chênh lệch nhiệt độ...

Do không sử dụng chất bảo quản nên sản phẩm rất dễ bị bợn dấm nếu lọt khí".

Cụ thể như nếu sản phẩm được trưng bày, bảo quản ở nơi có nhiệt độ cao hoặc dưới ánh nắng trực tiếp, hoặc để trong tủ lạnh sau đó để lại ra nhiệt độ bên ngoài nhiều lần đều có thể làm biến dạng chai sản phẩm khiến không khí lọt vào.

Vì sản phẩm không có chất bảo quản nên khi hở nắp dễ bị hỏng, nổi lợn cợn.

“Đây là hiện tượng chung trên thế giới, nhiều loại sản phẩm dinh dưỡng cụ thể sản phẩm sữa đóng chai… đều dễ dàng bị như thế” – ông Khôi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khi sự cố lặp đi lặp lại và không có điểm dừng, khi PV đặt câu hỏi: “Liệu Tân Hiệp Phát có nên thay đổi công nghệ để tránh trường hợp tương tự xảy ra”, ông Khôi thẳng thắn: “Thực ra, trên thế giới cũng như thế!”.

Điều đó đồng nghĩa với việc, quy trình sản xuất, đóng gói của Tân Hiệp Phát sẽ không thay đổi.

Và như vậy, bất cứ khi nào, trên thị trường cũng có thể xuất hiện những chai Dr Thanh chứa “dị vật” nếu đại lý không bảo quản đúng cách.

Đòi bồi thường không đơn giản

Liên quan tới câu chuyện “trách nhiệm thuộc về ai” trong sự cố của Dr Thanh như trên, LS. Đặng Văn Cường – trưởng Văn phòng Luật sư Chính Phát cho biết:

Việc vệ sinh an toàn thực phẩm phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật nên chắc chắn Tân Hiệp Phát đã đăng ký với các cơ quan chức năng và quá trình bảo quản cũng đã có quy định của công ty.

Vì thế, khi phát hiện sai phạm, các cơ quan chức năng vào cuộc cần làm rõ nguyên nhân do chất lượng sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn hay bởi khâu bảo quản, khâu vận chuyển, lỗi tại khâu nào.

LS. Đặng Văn Cường – trưởng Văn phòng Luật sư Chính Phát.

“Nếu lỗi ở khâu bảo quản thì đại lý của Tân Hiệp Phát phải chịu trách nhiệm. Vì khi sản xuất đầu ra (tức lúc xuất xưởng, Tân Hiệp Phát đã có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được quyền chuyển ra thị trường).

Còn khi lưu thông, phát hiện ra sản phẩm bị lỗi phải triệu hồi về hoặc thiêu hủy cũng giống như sản phẩm ô tô vậy. Còn nội bộ công ty sẽ phải rút kinh nghiệm” – LS Cường nói.

Trong trường hợp gặp sự cố, mặt hàng, sản phẩm Dr Thanh của Tân Hiệp Phát nếu gây hại cho khách hàng thì khách hàng có quyền kiện và đòi bồi thường.

LS Cường lưu ý: Thiệt hại theo luật căn cứ vào thiệt hại thực tế.

Ví dụ, anh mua sản phẩm này mất bao nhiêu tiền, uống vào phải đi viện, tiền khám chữa thế nào. Nếu chai nước chưa bán cho ai hoặc uống vào không sao thì không có thiệt hại.

“Trong trường hợp đại lý A lấy hàng của Tân Hiệp Phát về, khách hàng mua một lần, thấy không đảm bảo chất lượng, chuyện truyền tai nhau, các khách khác cũng không đến nữa.

Doanh thu giảm, đại lý có thể đòi thiệt hại bằng cách tính bình quân mỗi tháng bán được bao nhiêu khách.

Sau khi xảy ra sự cố, lượng khách giảm chừng nào. Từ đó, tính ra con số tổng thiệt hại”.

Tuy nhiên, LS Cường cũng nhấn mạnh: “Về lý thuyết là thế nhưng trên thực tế, việc chứng minh thiệt hại trong các trường hợp trên là không đơn giản”.