Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam: Cởi trói quy định kế toán đối với DN nhỏ và vừa

Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam: Cởi trói quy định kế toán đối với DN nhỏ và vừa

Trả lời phỏng vấn của Báo Hải quan, bà Nguyễn Thị Cúc Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, hiện nay nhóm DN nhỏ và vừa đang gánh trên vai nhiều bất cập về chế độ kế toán, chính sách thuế.

Nhận định của bà về chính sách thuế, chế độ kế toán trong những năm gần đây đối với DN nhỏ và vừa?

Hiện đã có cải cách về thuế đối với nhóm DN này như: Mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là 22%, riêng DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng thì được áp dụng thuế suất 20%; DN được khai nộp thuế theo quý... Tuy nhiên, bất cập ở đây chính là công tác kế toán DN chưa được cơ quan Thuế kiểm tra, giám sát thực hiện. Trên thực tế, cơ quan Thuế mới chỉ quan tâm, kiểm tra chế độ kế toán của DN nhỏ và vừa để xác định nghĩa vụ thuế của DN mà chưa quan tâm đến công tác hạch toán kế toán, báo cáo tài chính nói chung. Bên cạnh đó, cơ quan Thuế lại không có chức năng kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán nên cũng không phát huy được tác dụng kiểm tra, giám sát.

Việc tổ chức thực hiện công tác kế toán tại các DN nhỏ và vừa chủ yếu nhằm đối phó với cơ quan Thuế. Đội ngũ cán bộ làm công tác kế toán chưa được coi trọng. Phần lớn các DN không bố trí đủ nhân lực thực hiện công tác kế toán. Nhiều DN không có kế toán trưởng, hoặc bổ nhiệm kế toán trưởng không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Sự bất cập này sẽ gây ra hậu quả lớn đối với chính các DN và toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Với DN là thiếu sự minh bạch về tài chính, không tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng, khó có thể mở rộng phạm vi kinh doanh. Đối với nền kinh tế là thất thu thuế Nhà nước và định hướng chiến lược cho mô hình này không chuẩn do dựa trên những báo cáo của DN không trung thực.

Vậy có cần xem xét nghiên cứu ban hành chính sách thuế, cơ chế quản lý thuế , chuẩn mực kế toán riêng đối với nhóm DN này không, thưa bà?

Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia trong khu vực cho thấy, số giờ nộp thuế rất thấp mà Nhà nước vẫn quản lý được. Trong khi ở Việt Nam dù đã tích cực rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về thuế (theo Nghị quyết 19/NĐ-CP) nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, cắt giảm số giờ tuân thủ về thuế nhưng thời gian nộp thuế vẫn còn khá cao. Điều đó là do hầu hết các nước đều có chính sách thuế riêng cho DN nhỏ. Đặc trưng của các chính sách thuế này là đơn giản, dễ làm, dễ quản lý, dễ thu và dễ tuân thủ. Theo đó, có thể cho phép các DN nhỏ áp dụng mức thuế GTGT khoán trên doanh thu như đang áp dụng cho cá nhân kinh doanh như hiện nay. Về thuế TNDN, cũng có thể cho phép lựa chọn phương pháp nộp thuế theo kê khai hoặc nộp theo tỷ lệ cố định thu nhập tính thuế trên doanh thu.

Để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phải tập trung nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung thống nhất toàn quốc về người nộp thuế, công khai thông tin về doanh thu, tiền thuế nộp... nhằm phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế, chống thất thu, chống gian lận về khấu trừ, hoàn thuế.

Hiện nay công tác quản lý thuế ở Việt Nam dựa trên cơ sở hóa đơn, chứng từ, công việc quản lý này khá phức tạp mất nhiều thời gian, hiệu quả đem lại không cao do hiện tượng mua bán hóa đơn bất hợp pháp vẫn diễn ra thường xuyên. Vì vậy cần nghiên cứu phương pháp quản lý mới dựa trên việc đối chiếu các chỉ tiêu doanh thu, chi phí và các số liệu của DN dựa trên phần mềm kế toán của các DN. Việc truy xuất, đối chiếu thông qua phần mềm sẽ xác định được các trường hợp cố tình vi phạm, che dấu doanh thu khi cơ quan Thuế đối chiếu các giao dịch.

Đồng thời, việc ban hành chuẩn mực kế toán riêng áp dụng cho các DN nhỏ và vừa là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam hiện nay. Theo đó, không đề cập trong chuẩn mực kế toán các vấn đề quá phức tạp, không thực tế và không khả thi vì hầu như không phát sinh ở các DN nhỏ như: Hợp nhất kinh doanh, Báo cáo tài chính hợp nhất, báo cáo bộ phận…

Theo bà phải có cơ chế khuyến khích DN nhỏ và vừa sử dụng dịch vụ kế toán, đại lý thuế như thế nào?

Thực tế tại các nước, hầu hết các DN nhỏ và vừa thường sử dụng dịch vụ đại lý, kế toán thuế như: Tại Hàn Quốc, Nhật Bản, tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng dịch vụ đại lý thuế chiếm tới 96%. Trong khi đó, ở Việt Nam nhiều DN chưa "mặn mà" với dịch vụ này một phần là do các đại lý thuế này về danh chính ngôn thuận chỉ có chức năng đại lý thuế, chưa có chức năng làm kế toán thuế. Điều này gây khó khăn cho cả DN và đại lý thuế.

Vấn đề đặt ra cần có quy định người có chứng chỉ hành nghề đại lý thuế thực hiện luôn công tác lập sổ sách kế toán, kiểm tra, rà soát kế toán: Các nghiệp vụ hành chính liên quan đến kiểm tra kế toán, kiểm tra tài chính hoặc kiểm tra các hoạt động kế toán của doanh nghiệp và các tổ chức khác; được thay mặt DN tham gia tố tụng, giải trình thanh tra kiểm tra liên quan đến kế toán, thuế.

Xin cảm ơn bà!