Bộ Tài chính 'tuýt còi' một đề án tại Quảng Nam vì dùng ưu đãi thuế ‘khủng’

Rất nhiều chính sách ưu đãi thuế được đưa ra trong dự thảo Đề án Phát triển Khu CNHT ngành cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai đã bị Bộ Tài chính “tuýt còi” do không phù hợp với quy định và vượt quá thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đề xuất ưu đãi thuế "khủng"

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý vào Đề án Phát triển Khu CNHT ngành cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Để phục vụ cho mục đích của đề án này, cơ quan soạn thảo đã có nhiều đề xuất cụ thể liên quan đến chính sách thuế.

Trong đó, cơ quan soạn thảo đã đề xuất áp dụng thuế TNDN 10% trong thời hạn 20 năm, kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế. Cụ thể miễn thuế TNDN trong 4 năm đầu, áp dụng thuế suất 5% trong 10 năm tiếp theo và 10% trong 6 năm tiếp theo.

Đối với các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh ngành công nghiệp ô tô, máy móc phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp, có quy mô vốn đầu tư trên hai ngàn tỷ đồng (tương đương 100 triệu USD) hoặc thu hút trên 4.000 lao động, có khả năng thu hút doanh nghiệp sản xuất CNHT thì áp dụng thuế suất ưu đãi thuế TNDN 10% kéo dài thêm 10 năm.

Cùng với đó, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất giảm 70% trong thời hạn 5 năm đầu và giảm 50% các năm tiếp theo đối với thuế thu nhập cá nhân cho tất cả đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân làm việc tại Khu CNHT ngành cơ khí, tại Khu kinh tế mở Chu Lai.

Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định và phục vụ sản xuất CNHT bao gồm: Thiết bị, máy móc chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, chi tiết, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện trong nước chưa sản xuất được.

Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm ô tô; sản phẩm phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp hoàn chỉnh khi mua các sản phẩm CNHT cơ khí (kể cả mua từ các doanh nghiệp hoạt động trong các Khu chế xuất) phục vụ cho sản xuất không phải nộp thuế GTGT.

Vượt cả thẩm quyền quyết định của Thủ tướng

Trong văn bản tham gia ý kiến vào Đề án này, Bộ Tài chính cho biết, các đề xuất thuế này của cơ quan chủ trì soạn thảo đều không phù hợp với quy định của các Luật thuế hiện hành và vượt quá thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật thuế TNDN, doanh nghiệp có dự án đầu tư mới (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB, dự án khai thác khoáng sản) tại khu kinh tế; dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng các tiêu chí theo quy định được áp dụng ưu đãi thuế TNDN cụ thể như sau: thuế suất ưu đãi 10% trong thời gian 15 năm; được miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.

Trường hợp dự án đầu tư nêu trên của doanh nghiệp đồng thời đáp ứng các tiêu chí gồm: có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng; sử dụng công nghệ được thẩm định theo quy định của Luật Công nghệ cao, Luật khoa học và công nghệ; thực hiện giải ngân không quá 05 năm kể từ ngày được phép đầu tư và sản xuất sản phẩm hàng hóa có khả năng cạnh tranh toàn cầu, doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm chậm nhất sau 05 kể từ khi có doanh thu từ dự án hoặc sử dụng thường xuyên trên 6.000 lao động hoặc đầu tư thuộc lĩnh vực hạ tầng kinh tế kỹ thuật thì được xem xét kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi không quá 15 năm.

Đối chiếu với các quy định ưu đãi tại Luật thuế TNDN như nêu trên, nội dung ưu đãi cho các dự án đầu tư tại khu công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí tại khu kinh tế mở Chu Lai là không phù hợp với quy định của Luật thuế TNDN và vượt quá thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tương tự, Luật thuế TNCN (Điều 5) quy định rõ, việc giảm thuế được áp dụng đối với đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

Trường hợp những khoản thu nhập của cá nhân được ưu đãi về thuế quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật thuế TNCN có hiệu lực thì tiếp tục được hưởng ưu đãi (khoản 3 Điều 34).

Theo quy định của pháp luật trước ngày Luật thuế TNCN có hiệu lực thì chỉ có quy định việc giảm 50% số thuế TNCN phải nộp cho các đối tượng làm việc trong khu kinh tế và chính sách này tiếp tục được bảo lưu theo quy định của Luật thuế TNCN nêu trên.

Do đó, nội dung ưu đãi nêu tại đề án: "tăng mức giảm thuế TNCN từ 50% lên 70% đối với cá nhân làm việc tại khu công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí tại khu kinh tế mở Chu Lai" là không phù hợp với quy định của Luật thuế TNCN nêu trên và vượt quá thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo Bộ Tài chính, nội dung ưu đãi về thuế GTGT nêu tại đề án không phù hợp với Luật thuế GTGT hiện hành và vượt thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, theo Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12, từ ngày 1/1/2009 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cơ khí như: que hàn, bu lông, ốc vít, vòng bi,... áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% và quy định này thuộc thẩm quyền Quốc hội.

Luật thuế GTGT hiện hành gồm 3 mức thuế suất được quy định theo nguyên tắc: thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; thuế suất 5% chỉ áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, sản phẩm nông nghiệp; mức thuế suất 10% là mức phổ biến áp dụng đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ chịu thuế còn lại.

Riêng với đề xuất ưu đãi về thuế nhập khẩu, theo Bộ Tài chính, chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu đã được quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn dưới Luật. Do đó, đề nghị thực hiện chính sách về ưu đãi xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật./.