Ông Bùi Kiến Thành:Khó bán nợ xấu như hàng thanh lý vì…. 

Các ngân hàng thương mại cố che giấu nợ xấu, làm biến mất đi một số nợ xấu nhưng thực tế nợ xấu không mất đi được.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết về cách đối mặt với tình trạng nợ xấu trầm trọng trong hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng của Việt Nam. Đồng thời, chuyên gia Bùi Kiến Thành cũng cho biết, khó có thể bán nợ xấu như hàng thanh lý, quan điểm này khác với những gì chuyên gia kinh tếTS Alan Phan đã nêu ra trong bài viết trước.

Theo đó, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng, sẽ không có ai mua vì mua không để làm gì, thanh lý "đống nợ" đó bằng cách nào? Ai sẽ mua những tài sản đó? Với giá nào? Trong thời hạn bao nhiêu lâu? Nhất là với nợ xấu liên quan đến bất động sản đi liền với các thủ tục giấy tờ đất đai có giải quyết được không? Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào rõ ràng về việc này.

Ngân hàng che đậy nợ xấu

PV: - Nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính tính đến 30/6/2014 đều tăng, có ngân hàng đã vượt mức 5%, thậm chí từ 7-8%. Theo đó, mức bình quân hệ thống đến tháng 6/2014 tăng 21,5% so với cuối tháng 5/2014 và tăng 38,2% so với cuối năm 2013.

Đặc biệt, nợ xấu theo báo cáo có lúc tăng, giảm cụ thể cuối năm 2013 chỉ hơn 3%, đến tháng 4/2014 tại cuộc họp Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) báo cáo là 7%, sau đó tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành ngân hàng nợ xấu được báo cáo chỉ còn hơn 4%. Trong khi Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's từng công bố nợ xấu của Việt Nam có thể lên đến 15%.

Theo ông, với những con số trên phải nhìn nhận về tình hình nợ xấu như thế nào? Việc nợ xấu tăng giảm và có khả năng sẽ ở mức cao cho thấy điều gì?

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: - Con số nợ xấu tiền hậu bất nhất do có nhiều lý do. Ví dụ vào cuối năm 2013, NHNN cho phép ngân hàng thương mại cấu trúc nợ xấu bằng phương thức cho doanh nghiệp vay mới để trả nợ cũ tức là đáo nợ. Nợ xấu biến thành nợ mới và là nợ không xấu do chưa tới hạn.

Đây là những thủ thuật làm việc giữa các cơ quan quản lý nhà nước và ngân hàng thương mại cố che giấu nợ xấu, làm biến mất đi một số nợ xấu nhưng thực tế nợ xấu không mất đi được. Về việc này quản lý nhà nước nên làm rõ đừng bịt mắt đi trong đêm tối, như vậy càng không có cách nào giải quyết được khó khăn.

Vấn đề thứ 2, một số nợ xấu được bán cho Công ty Quản lý tài sản VAMC, thực tế là các ngân hàng thương mại quét nhà, dọn rác và VAMC tiếp nhận một đống rác, một đống nợ xấu. Sau đó hệ thống ngân hàng tự tin nói rằng không còn nợ xấu do nợ xấu không còn trong báo cáo tài chính của ngân hàng.

Năm 2013 NHNN từng ra Thông tư 02 yêu cầu ngân hàng khai báo nợ xấu và phải phân loại nợ theo quy định nhưng các ngân hàng cho rằng như vậy sẽ nguy hiểm tới hệ thống ngân hàng, NHNN đã "thông cảm" và gia hạn đến 1/6/2014 nhưng đến nay ngân hàng vẫn không thực hiện việc kê khai, xếp hạng lại nợ xấu.

Đồng thời, NHNN cũng không cương quyết buộc ngân hàng phải khai báo trung thực nợ xấu khiến những con số về nợ xấu từ năm 2012 đến nay vẫn mù mờ, không phản ánh đúng thực trạng. Con số khi lên, khi xuống tùy tiện, quản lý nhà nước phải làm rõ để cả nước nắm biết được tình hình các ngân hàng thế nào, không thể để ngân hàng muốn nói gì thì nói, muốn khai gì thì khai.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Hiện, một phần rất lớn nợ xấu đã đi vào bất động sản, chứng khoán. Chứng khoán khi đã thua lỗ không có cách nào để gỡ, thu hồi. Còn bất động sản đang nằm một đống, phân khúc sản phẩm cao cấp không có thị trường, không có đầu ra mà muốn có đầu ra người mua phải có tiền, nhưng hiện nay hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang chết, tiền trong dân không có để mua bất động sản, bất động sản vẫn nằm yên đó.

PV: - Mới đây, NHNN vừa có chỉ đạo các ngân hàng thương mại mở rộng cho vay tín chấp. Tuy nhiên, nếu theo phản ánh của các ngân hàng thương mại, đối tượng đáp ứng được điều kiện cho vay tín chấp phải có các điều kiện như vốn điều lệ trên 100 tỷ, doanh thu tháng… ưu thế sẽ lại thuộc về các doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội tính đến năm 2012, cho thấy khoản nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 402.955 tỷ đồng, tương ứng 1/3 tổng dư nợ của cả nền kinh tế.

Ông bình luận như thế nào về chủ trương này và tác động của nó tới vấn đề nợ xấu như thế nào? Và việc doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục được cấp tín dụng nhiều hơn khối doanh nghiệp tư nhân và làm ăn thua lỗ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe hệ thống ngân hàng và toàn nền kinh tế như thế nào?

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: - Vốn dĩ việc cho vay là trách nhiệm của ngân hàng xác định trường hợp nào là thế chấp, trường hợp nào là tín chấp sau khi nghiên cứu từng dự án phát triển kinh doanh về khả năng hoàn trả vốn, có thể có thế chấp, không có thế chấp, có thể là tín chấp.

Ngoài ra, cho vay tín chấp tại sao nói doanh nghiệp phải có vốn điều lệ 100 tỷ đồng mới cho vay? Điều này phải dựa trên hiệu quả kinh doanh thay vì vốn điều lệ. Vì có doanh nghiệp chỉ có 2-3 tỷ đồng vốn điều lệ nhưng sản phẩm tốt, thị trường tốt, không thể vin vào vốn điều lệ. Làm như vậy sẽ không hợp lý, không đúng pháp luật.

Việc quy định vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng mặc nhiên thừa nhận việc cho vay tín chấp phần lớn nhằm vào các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng vấn đề vốn điều lệ của các doanh nghiệp nhà nước có thể là 10.000 tỷ đồng nhưng tại thời điểm hiện tại có thể âm, tiếp tục xin giảm nợ, xóa nợ, mắc nợ nhà nước. Vì vậy nó không phản ánh sức khỏe thật sự của doanh nghiệp nên không thể đưa ra những điều kiện như vậy.

Các doanh nghiệp nhà nước từ trước đến giờ vẫn được coi như con cưng còn các doanh nghiệp tư nhân như con ghẻ, thể hiện chế độ bao cấp, tư duy kinh tế tập trung, không phải là kinh tế thị trường. Nhà nước chỉ đạo ngân hàng cho doanh nghiệp nhà nước vay mặc dù hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước là thua lỗ nên vấn đề này không hợp lý.

Ngân hàng phải nghiên cứu từng dự án, từng doanh nghiệp, sức khỏe của doanh nghiệp. Dự án phát triển kinh doanh dựa trên sản phẩm, thị trường, thị phần, ban lãnh đạo… để quyết định cho vay chứ không thể đưa ra quyết định duy ý chí. Việc nhà nước tạo điều kiện để doanh nghiệp nhà nước được vay, tạo khó khăn thêm cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ - lực lượng tạo ra lao động nhiều nhất khiến thành phần này khó tiếp cận được nguồn vốn sẽ khiến nền kinh tế trì tệ không phát triển được.

Nếu tình trạng này xảy ra, không có những biện pháp giải quyết nợ xấu chồng chất lên nợ xấu, các doanh nghiệp nhà nước lỗ vẫn tiếp tục lỗ, và nợ xấu tiếp tục tăng thêm trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ không được tiếp cận được nguồn vốn thì không thể phát triển.

Khó bán nợ xấu như hàng thanh lý!

PV: - Về việc xử lý nợ xấu, năm 2013 Tổng công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC đã mua lại khoảng 39.000 tỷ đồng nợ xấu nhưng sang năm 2014 quá trình này chững lại, 6 tháng đầu mới mua được 11.414 tỷ nợ gốc. Trong khi VAMC vẫn mua nợ xấu bằng "giấy" và chưa tìm được đầu ra cho những khoản nợ xấu đã mua. Theo ông đây có phải chỉ là hình thức giảm nợ xấu ảo, thực tế nợ xấu không những giảm mà còn tăng thêm vì nợ xấu dồn về VAMC và VAMC không bán được nên phải cộng lãi vốn mua vào tổng khối nợ?

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: - Rõ ràng VAMC mua hàng mấy chục nghìn tỷ đồng nhưng bán ra chỉ khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. VAMC ôm nợ xấu để giúp các ngân hàng giải quyết vấn đề báo cáo tài chính chứ không giải quyết được nợ xấu, và nợ xấu vẫn là nợ xấu, nó không nằm trong kho của ngân hàng mà chuyển sang nằm trong kho của VAMC.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho biết, khó có thể bán nợ xấu như hàng thanh lý
Nợ xấu ngân hàng và các tín dụng có xu hướng ngày càng tăng

Nhưng có vấn đề khác là VAMC đã trả cho ngân hàng bằng trái phiếu đặc biệt để ngân hàng có thể thế chấp vay từ ngân hàng nhà nước. Làm ăn bê bối, tạo ra nợ xấu rồi không có thanh khoản để cho vay tiếp thì cứ đem nợ xấu bán cho VAMC, lấy trái phiếu đặc biệt đi thế chấp vay ngân hàng nhà nước, nhà nước lại cung cấp tiền cho ngân hàng để ngân hàng tiếp tục cho vay và tiếp tục tạo thêm nợ xấu.

PV: - Vừa qua, NHNN có đề nghị xin tiền cấp cho VAMC mua nợ, về bản chất là lấy tiền ngân sách ra mua những khoản tiền mà ngân sách đã cấp và đã bị tổn thất thành nợ xấu. Ông có bình luận gì về điều này?

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: - Tại sao phải cấp tiền cho VAMC, VAMC mua nợ xấu có trả bằng tiền mặt đâu? VAMC có vốn điều lệ 500 tỷ đồng nhưng đã mua đến 50.000 tỷ đồng nợ xấu. VAMC được nhà nước cho phép phát hành trái phiếu đặc biệt, nếu lấy thêm từ ngân sách nhà nước thì bao nhiêu cho đủ? Không có doanh nghiệp nào như VAMC vốn điều lệ 500 tỷ đồng mua 50.000-60.000 tỷ đồng, ôm một đống nợ xấu, không bán được, không đòi nợ được, và vẫn còn tiếp tục mua vào đến bao nhiêu nữa?

Hoạt động của VAMC cũng đặt ra yêu cầu các ngân hàng phải trích lập dự phòng 20%/năm trong 5 năm, có nghĩa là sau 5 năm nếu không giải quyết được VAMC sẽ trả lại cho ngân hàng để tự giải quyết nợ xấu đó nhưng ngân hàng làm sao trích lập được dự phòng, lấy tiền đâu ra? Do những ngân hàng có nhiều nợ xấu đều là những ngân hàng ốm yếu, làm ăn thua lỗ.

PV: - Có ý kiến cho rằng việc bán nợ xấu phải được bán như bán hàng thanh lý không thể đòi hỏi mức giá cao như mong muốn, ông có đồng tình với quan điểm này không? Nếu thực hiện bán nợ xấu như bán hàng thanh lý thì trên thực tế sẽ diễn ra điều gì, có nhiều DN bị phá sản không, thưa ông?

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: - Nợ xấu của Việt Nam phần nhiều có thế chấp, không hoàn toàn vô giá trị. Nguyên tắc là cho vay đến mức tối đa 50% giá trị tài sản thế chấp nhưng nhiều khi giá trị của tài sản được thổi phồng lên nhiều lần giá trị thực.

Các nước không làm thế, phần lớn họ cho vay tín chấp nên khi nợthành nợ xấu, nợ không còn giá trị bao nhiêu nên sẽ bán như hàng thanh lý còn ở Việt Nam nợ có thế chấp nên còn phần nào giá trị, nhưng để siết nợ, giải chấp và thanh lý tài sản là không đơn giản. Nhà đầu tư Việt Nam không có tiền mua, nhà đầu tư nước ngoài cũng không mua nợ xấu mà không có giải pháp thu hồi vốn vậy nợ xấu bán cho ai?

Thậm chí giảm 10-20-30-40-50% cũng không có ai mua vì mua không để làm gì? Chẳng hạn, nếu tài sản thế chấp là những thành phố ma xung quanh Hà Nội, nếu siết nợ các thành phố ma đó, thì sẽ thanh lý "đống nợ" đó bằng cách nào? Ai sẽ mua những tài sản đó? Với giá nào? Trong thời hạn bao nhiêu lâu? Và các thủ tục giấy tờ đất đai có giải quyết được không? Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào rõ ràng về việc này.

Nợ xấu trở thành đống rác không có cách nào giải quyết càng để lâu càng tệ. Nợ xấu hoàn toàn bế tắc chưa thấy biện pháp giải quyết, Việt Nam chỉ có một giải pháp là để nợ xấu sang một bên, nhà nước và ngân hàng tạo mọi điều kiện giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển tạo ra công ăn việc làm, để tăng tổng cầu… khôi phục khả năng trả nợ.

Nhưng thực tế nhà nước không có chính sách phù hợp mà lại hành hạ doanh nghiệp với đủ thứ khó khăn, khiến doanh nghiệp chết thêm còn ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất cao, cho vay với yêu cầu phải có tài sản thế chấp nhưng doanh nghiệp không còn tài sản để thế chấp, không phát huy được tín dụng tín chấp chất lượng trên cơ sở kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Tóm lại, phải tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp có thể phục hồi bằng những đơn thuốc phù hợp, nếu doanh nghiệp chết sẽ không có ai trả nợ xấu.

PV: - Trong trường hợp vấn đề nợ xấu chưa giải quyết triệt để Việt Nam sẽ phải đối mặt với những nguy cơ gì, thưa ông? Những vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo chưa được giải quyết có thể nói đến việc tái cơ cấu nền kinh tế hay không?

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: - Hệ thống ngân hàng sẽ khốn khó do vướng mắc cho vay và không đòi được nợ. Khó mà có giải pháp nếu không minh bạch thông tin. NHNN yêu cầu các ngân hàng khai đầy đủ nợ xấu, nhưng ngân hàng không khai, bịt mắt mà không chịu nhìn vào thực tế.

Năm 2014, NHNN vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% nhưng tăng tín dụng cho ai? Theo một phó thống đốc NHNN từ đầu năm đến nay 90% lượng tiền trong ngân hàng chủ yếu cho Chính phủ vay hay mua trái phiếu Chính phủ, thay vì tăng tín dụng cho doanh nghiệp, và điều này cần phải thay đổi.

Chưa thể giải quyết nợ xấu, sở hữu chéo, lợi ích nhóm, quan liêu, tiêu cực, thì tái cơ cấu gì bây giờ? Chữ "tái cơ cấu" có nghĩa là đang làm ăn không tốt, cần phải "cơ cấu lại" để đạt được kết quả tốt hơn nhưng doanh nghiệp nhà nước "tái cơ cấu" có làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn hay không? Doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối, để duy trì hệ thống quản lý "công chức", giữ lại những người điều hành không có khả năng thì "tái cơ cấu" gì?

Doanh nghiệp tư nhân đang chết lên, chết xuống, chi phí tiêu cực đè nặng trên vai, lo sống cũng khó, tái để họ sống chứ không tái để họ chết. Chữ "tái" là giúp người đang bệnh, yếu, trở nên ít bệnh, phục hồi, phát triển nhưng hiện chúng ta lại làm ngược lại là xô người ta ngã thêm. Phải nhìn vấn đề cho rõ, tái theo hướng này, thì nền kinh tế sẽ đi về đâu?

Xin trân trọng cảm ơn ông!