Năm 2015: Cổ phiếu hủy niêm yết trong giá 'bèo', hàng mới lên sàn vẫn hấp dẫn

(NDH) Năm 2015, hai sàn HOSE và HNX có tới 49 cổ phiếu niêm yết mới, trong khi cũng có 34 trường hợp phải nói lời tạm biệt.

Cổ phiếu mới lên sàn vẫn hấp dẫn?

Năm 2014, thị trường chứng khoán đã chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của các cổ phiếu mới lên sàn (mới niêm yết). Ngay từ những phiên giao dịch đầu tiên trên sàn HOSE hoặc HNX, các tân binh này đã tạo ra được sự chú ý với mức tăng hết sức tích cực.

Đến năm 2015, hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục lũ lượt niêm yết trên sàn HOSE và HNX. Theo thống kê của NDH, trong năm 2015 có tới 49 doanh nghiệp thực hiện niêm yết trên sàn HOSE và HNX, trong đó có duy nhất một trường hợp là FIT chuyển từ sàn HNX sang HOSE.

Trong năm nay, mặc dù số lượng cổ phiếu niêm yết mới trên thị trường tăng vọt nhưng vẫn không xuất hiện những tên tuổi có thể ảnh hưởng mạnh tới thị trường. Các doanh nghiệp lớn nhất niêm yết trong năm 2015 có thể kể tới như HNG với vốn điều lệ hơn 7.000 tỷ đồng; DCM vốn 5.300 tỷ đồng hay PHP với gần 3.300 tỷ đồng.

Tuy vậy, tương tự như năm 2014, đa phần các tân binh trong năm 2015 đều có mức tăng giá rất mạnh. Trong số 49 cổ phiếu mới lên sàn trong năm 2015, chỉ có 10 cổ phiếu giảm giá ngay trong phiên giao dịch đầu tiên chào sàn, trong đó, HVA và HKB là hai cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất (30%). Trái lại, có tới 37 cổ phiếu tăng giá ngay trong ngày chào sàn và đa số đều tăng trên 10%. Hai cổ phiếu hiếm hoi đứng giá là SMN và ACM.

Việc các cổ phiếu mới lên sàn đua nhau bứt phá mạnh dường như đã trở thành một quy luật và được không ít nhà đầu tư cho rằng cổ phiếu mới lên sàn đa số đều được đẩy giá. Với những suy nghĩ như trên, nhiều nhà đầu tư đã tranh nhau mua cổ phiếu mới lên sàn.

Hủy niêm yết trong giá 'bèo'

Theo thống kê của NDH, năm 2015 có tổng cộng 34 cổ phiếu hủy niêm yết chia đều cho cả hai sàn HOSE và HNX (17 mã).

Trong số 34 cổ phiếu hủy niêm yết ở năm 2015 có 7 trường hợp là hủy niêm yết tự nguyện bao gồm BT6, C21, MPC, VTF, NHW, SBC và TTP, ba trường hợp tiến hành sáp nhập là HPC, SEC và NHS. Ngoài ra còn duy nhất 1 trường hợp của FIT là chuyển từ sàn HNX sang HNX.

Trong số các trường hợp tự nguyện hủy niêm yếu, sáp nhập hoặc chuyển sàn nêu ở trên, mức giá tại thời điểm rời sàn của các cổ phiếu này là khá tốt. Trường hợp mức giá thấp như HPC khá hiếm (2.800 đồng/CP).

Việc HPC có mức giá rất thấp trong ngày rời sàn là điều không quá khó hiểu khi mà tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này trước đó không mấy khả quan. Cụ thể, giai đoạn 2008 - 2011, HPC phát sinh khoản lỗ lũy kế lên tới 200 tỷ đồng và hoạt động kinh doanh như hiện tại thì phải tới 10 năm nữa Công ty mới có thể xóa sạch khoản lỗ này. Đồng thời, việc treo hơn 200 tỷ lỗ lũy kế trên BCTC khiến hoạt động của HPC gặp nhiều vướng mắc, từ vấn đề chia cổ tức cho đến tăng vốn.

Đối với các công ty bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp, lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ, hoặc vi phạm nghiệm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, giá của đa số các cổ phiếu này trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi rời sàn đều ở mức rất thấp, thậm chí không thể mua nổi 1 'cốc trà đá'.

Trong danh sách các cổ phiếu bị hủy niêm yết ở năm 2015, SSG có mức giá thấp nhất, chỉ đạt vỏn vẹn 800 đồng/CP. Ngay cả trước khi hủy niêm yết 1 năm, giá cổ phiếu SSG cũng không vượt quá được 2.200 đồng/CP. Cổ phiếu SSG bị hủy niêm yết do bị lỗ 3 năm liên tiếp 2012, 2013 và 2014.