Mua ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng là đương nhiên

(NDH) Đó là quan điểm của TS Trương Văn Phước đối với quyết định tái cấu trúc 3 TCTD yếu kém của NHNN. Theo đó, việc mua 0 đồng giúp 3 NH hoạt động bình thường từ đó đảm bảo sự ổn định của hệ thống NH.

Sáng nay, 17/12, Đại học KTQD phối hợp cùng báo Lao Động tổ chức hội thảo “ Hoạt động quản lý điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2011 – 2015 và những tác động với nền kinh tế”.

Đánh giá trong 5 năm từ 2011 – 2015, nhóm nghiên cứu ĐHKTQD cho rằng với bối cảnh phức tạp của kinh tế thế giới cùng điều kiện khó khăn của kinh tế vĩ mô trong nước, chính sách tiền tệ đã được điều hành tương đối hiệu quả, phù hợp với mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Cụ thể, lãi suất đã được linh hoạt điều chỉnh giảm liên tục thông qua các công cụ điều hành lãi suất như lãi suất tái cấp vốn giảm từ 15%/năm xuống 6%/năm, lãi suất chiết khấu từ 13%/năm còn 4%/năm. Tỷ giá được ổn định, thực hiện tốt cam kết giữ tỷ giá trong điều kiện chính sách tỷ giá không độc lập hoàn toàn.
Cùng với đó từng bước giảm dần tình trạng dollar hóa thông qua biện pháp hạn chế tín dụng ngoại tệ, điều chỉnh lãi suất huy động USD. Thị trường vàng dần đi vào ổn định, hoạt động kinh doanh vàng được đảm bảo.
“ Có thể nói NHNN trong thời gian qua có chính sách tiền tệ khá thành công. Điều này xuất phát từ lựa chọn mục tiêu chính xác nên có cách thức điều hành thích hợp. Cùng với đó là hài hòa trong sử dụng biện pháp hành chính kiên quyết với biện pháp kinh tế mềm dẻo” – PGS TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng viện tài chính ngân hàng ĐHKTQD nhận xét.
Chia sẻ với TS Đặng Ngọc Đức, phó chủ tịch UBGSTCQG TS Trương Văn Phước cho rằng chính sách tiền tệ thời gian qua làm tốt nhưng chưa được đánh giá chính xác, nhiều ý kiến cho rằng nhờ điều kiện thuận lợi như giá hàng hóa đi xuống, lạm phát thấp chứ chưa hẳn chính sách tốt như vậy
“ NHNN cần chứng minh bằng số liệu cho thấy tác động truyền dẫn từ chính sách tiền tệ lên chỉ số kinh tế vĩ mô sau khi loại bỏ yếu tố thuận lợi. Tôi cho rằng những diễn biến thuận lợi tạo cơ hội tốt nhưng nếu chính sách tiền tệ yếu thì cũng không thể tận dụng được cơ hội đó” – ông Phước nhấn mạnh.
Đánh giá thành công lớn nhất của chính sách tiền tệ giai đoạn 2011 – 2015 là việc NHNN xóa bỏ tâm lý coi vàng là đồng tiền thứ 3 tại các TCTD. Vàng đã bị đẩy ra khỏi bảng tài sản của TCTD, giảm tác động của đầu cơ vàng, buôn lậu vàng lên tỷ giá.
“ Đây là hành động dũng cảm của NHNN mà trước đó nhiều đời thống đốc không thực hiện được” – Phó chủ tịch UBGSTC nhận xét.
Đối với nhiệm vụ tái cấu trúc hệ thống TCTD trong đó có việc mua lại 3 NHTM 0 đồng chịu nhiều chỉ trích của công luận, ông Phước cho rằng “ đó là việc đương nhiên”.
Thủ tướng đã ban hành quyết định 48 cho phép NHNN tham gia vào NHTM, khi các NHTM hoạt động yếu kém, gây bất ổn, thua lỗ thì NHNN phải tiếp quản, chấn chỉnh lại.
“ Theo tôi việc mua lại 0 đồng là bình thường, đương nhiên và không sao cả bởi sau đó hoạt động của các ngân hàng này và cả hệ thống ngân hàng ổn định hơn. Còn ai vi phạm thì phải xử lý” – ông Phước nói.
Mặc dù đánh giá chính sách tiền tệ 2011-2015 tốt hơn nhưng ông Phước cũng cảnh báo nếu không thay đổi cấu trúc thị trường tài chính chung thì rủi ro bất ổn sẽ trở lại sau 5-10 năm tới. Nguyên nhân hiện tại nguồn vốn cho nền kinh tế vẫn chủ yếu từ thị trường tiền tệ, tín dụng của ngân hàng. Tỷ lệ cho vay trung và dài hạn chiếm 45-55% tín dụng.
Tình trạng này nếu còn kéo dài cùng với chính sách tài khóa thiếu kỷ luật, nợ công thì cảnh Bộ tài chính vay tiền NHNN để bù đắp sẽ tiếp tục tái diễn.Điều này rất nguy hiểm đối với nền tài chính quốc gia.