ĐHCĐ Eximbank: Xin ý kiến khắc phục sai phạm sau thanh tra, cổ đông phản ứng gay gắt

(NDH) Sáng nay (15/12), Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (Mã: EIB - HoSE) tổ chức ĐHCĐ bất thường bầu nhân sự mới vào HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ VI (2015 - 2020).

10h40: Đại hội thảo luận

Cổ đông đưa ra hàng loạt các ý kiến với thái độ khá gay gắt.

- Nói là cổ đông bất thường mà chẳng thấy gì bất thường, vẫn là bầu HĐQT và BKS để hưởng 1,5% lợi nhuận sau thuế, trong khi cổ đông chẳng có quyền lợi gì. Trong báo cáo 11 tháng, tôi thấy lợi nhuận 550 tỷ đồng, HĐQT và BKS lại trích 1,5% thì cổ đông chẳng còn gì. Có nhóm lợi ích của EIB. Tôi mong HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới phải có trách nhiệm.

- Tôi hỏi đoàn kiểm tra của NHNN xử lý như thế nào khi HĐQT để thất thoát. Đoàn thanh tra đề nghị xử lý những ai, tôi đề nghị đoàn thanh tra cho chúng tôi biết ai vi phạm, phải nói rõ ràng. Tôi nói phải biết xấu hổ, Chủ tịch Đoàn phải biết xấu hổ. Sao không từ chức sớm đi?

- Tôi bức xúc vì giá cổ phiếu đang rớt, tôi quan tâm bầu cử nhân sự mới. Tôi thấy như anh Phú, anh Dũng, anh Hùng không tham gia tái cử nhưng một số ông như ông Mai, ông Thông, ông Nhật Bản thì còn ở lại. Tôi đề nghị không bầu cho các ông thành viên HĐQT cũ.

- Tôi không đồng ý ông Thông và ông Mai, 2 nhân vật này đã bị Thanh tra có ý kiến. Tại sao đưa vào những người có khuyết điểm như vậy? Tôi đề nghị xem xét lại. Tôi có ý kiến thay ông Tâm và ông Vũ vào vị trí ông Thông và ông Mai.

- Nếu thông qua việc xử lý hơn 831 tỷ đồng Eximland, tôi cho rằng đã hợp thức hóa sai phạm. Tôi đề nghị cổ đông trong Đại hội không thông qua.

Trả lời các câu hỏi này:

Ông Phạm Hữu Phú, TGĐ EIB: Chúng tôi xin ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp. Về những sai phạm,tôi nói là không xuất hiện từ tư túi. Về phương án khắc phục, HĐQT xin trích trong 3 năm và cổ đông xin cho biểu quyết làm rõ.

Liên quan hồ sơ ứng cử của anh Vũ, anh Tâm, tôi thấy rằng chúng ta còn nhiều vấn đề, tôi nghĩ cái gì cũng phải đi đến kết thúc. Sắp tới tôi không công tác ở EIB nhưng EIB luôn trong trái tim tôi.

Tôi đề nghị cổ đông cho ý kiến về việc này bằng quyền biểu quyết.

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT: Quan điểm của EIB là không che giấu nợ xấu, có sao nói vậy. Tuy nhiên hiệu quả hoạt động ngân hàng còn thấp, năm 2014 khó khăn. ĐH bất thường này bầu ra HĐQT mới. Về lợi nhuận, năm nay cũng khá nhưng phải xử lý nợ xấu.

Về chi phí cho HĐQT 1,5% lợi nhuận, HĐQT đã tính toán và xin ý kiến cổ đông. Nếu cổ đông nói cao thì là do… (bỏ lửng). Chúng tôi hoàn toàn không nhờ chi phí này. Chúng tôi sẽ trả lời rất cụ thể vấn đề này nếu cổ đông có ý kiến.

10h34'

Xin ý kiến về khoản tiền 831 tỷ đồng Eximland

Tại Đại hội, Eximbank đã xin ý kiến cổ đông thông qua một số vấn đề liên quan đến nội dung nêu tại Kết luận Thanh tra.

Theo đó, Eximbank đã bán các bất động sản cho Eximland và cho Eximland vay để thực hiện việc mua các bất động sản này, đã hạch toán tăng thu nhập của Eximbank (không phải thu nhập từ HĐKD) đến thời điểm 31/12/2013 là 1.116,67 tỷ đồng. Eximbank đã sử dụng thu nhập này để nộp thuế, trích lập quỹ và chia cổ tức cho cổ đông từ năm 2010 đến năm 2013.

Nợ xấu tại thời điểm thanh tra là 7,16%, tương đương 4.365 tỷ đồng, yêu cầu trích lập dự phòng 710 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, Eximbank đã bán 2.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, trích lập dự phòng cụ thể 404 tỷ đồng... Đối chiếu với kết luận thanh tra, EIB đã khắc phục được 284,83 tỷ đồng còn 831,83 tỷ đồng phải tiếp tục chỉnh sửa.

Bên cạnh đó, việc mua bán BĐS đã phát sinh một số khoản chi phí có liên quan cần phải xử lý. Thanh tra kết luận việc hạch toán vào thu nhập trong khi Eximbank vẫn còn quản lý và sử dụng BĐS là chưa đúng quy định theo chuẩn mực kế toán và thanh tra yêu cầu HĐQT phải xin ý kiến ĐHCĐ gần nhất để thông qua phương án khắc phục.

Với các yêu cầu của Thanh tra, đến 30/4/2016, EIB sẽ hoàn tất khắc phục, chỉnh sửa theo yêu cầu Thanh tra.

Về 831 tỷ đồng với Eximland, EIB xin phương án trình khắc phục chỉnh sửa trong 3 năm 2016 - 2018. HĐQT xin cổ đông ủy quyền cho HĐQT đề xuất phương án chi tiết trình Ngân hàng Nhà nước trước khi thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện cho cổ đông.

------

Thay đổi phút chót
Hồ sơ các ứng viên nhân sự dự kiến được bầu làm thành viên HĐQT gồm 8 người do các nhóm cổ đông lớn đề cử và HĐQT đề cử. Cụ thể:
Ông Cao Xuân Ninh được nhóm cổ đông có tỷ lệ biểu quyết 11,287% đề cử (trong đó 1 cổ đông tổ chức 8,235% và 5 cổ đông cá nhân 3,052%). Theo cơ cấu cổ đông của EIB, cổ đông tổ chức Vietcombank hiện đang sở hữu đúng 8,235% vốn EIB. Như vậy, có thể thấy, ông Ninh là đại diện phần vốn của Vietcombank.
Ngoài ra, từ tháng 4/2014 đến nay, ông Ninh còn là Phó Trưởng văn phòng đại diện, phụ trách điều hành văn phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Naoki Nishizawa là đại diện đối tác chiến lược Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) tại EIB với tỷ lệ cổ phần 10,05%. Ông tham gia HĐQT của EIB với chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT từ năm 2011 tới nay.
Ông Yasuhiro Saitoh được 3 tổ đông tổ chức đề cử với tổng số cổ phần có quyền biểu quyết 10,05%.

Ông Ngô Thanh Tùng được nhóm cổ đông nắm tỷ lệ 10,194% đề cử, trong đó có 5 cổ đông tổ chức nắm tỷ lệ 9,127% và 2 cổ đông cá nhân nắm 1,067% cổ phần có quyền biểu quyết đề cử.

Trong danh sách ứng viên HĐQT đề cử, ông Lê Văn Quyết không có cổ phần cá nhân cũng như cổ phần của tổ chức mà cá nhân làm đại diện tại ngân hàng. Ông Quyết sinh năm 1961, trình độ Cử nhân kinh tế, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, hiện đang giữ chức Giám đốc Vietcombank Biên Hòa.

Thành viên thứ hai do HĐQT đề cử là ông Đặng Anh Mai. Ông Đặng Anh Mai không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại ngân hàng. Ông Đặng Thai Mai từng làm Trợ lý Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, Thành viên HĐQT Ngân hàng Đại Á và thành viên HĐQT Eximbank.

Ông Nguyễn Quang Thông do HĐQT đề cử. Ông Nguyễn Quang Thông không có cổ phần tại Eximbank. Ông có nhiều năm công tác tại Eximbank với nhiều chức vụ như thành viên BKS, Ủy viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT.

Ông Hoàng Tuấn Khải do HĐQT đề cử. Ông Hoàng Tuấn Khải là đại diện phần vốn góp CTCP XNK tổng hợp I Việt Nam tại Eximbank nhiệm kỳ V (2010-2015). Ông Khải còn là thành viên HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinanconex (VCR), Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Tổng hợp 1.

Ngoài ra, HĐQT cũng đề cử 1 thành viên HĐQT độc lập là ông Lê Minh Quốc. Ông Quốc sinh năm 1951, là cử nhân Quản trị kinh doanh tại Thụy Sĩ, hiện không nắm giữ cổ phần tại Eximbank cũng như không đại diện cổ phần cho tổ chức nào. Ông Quốc cũng là Phó Tổng Giám đốc - Phó Trưởng ban Kiểm soát, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Âu Lạc.

Hồ sơ các ứng viên dự kiến làm thành viên BKS gồm 5 người, bao gồm ông Trần Lê Quyết - đại diện phần vốn góp của VCB tại EIB, tỷ lệ bầu cử 11,287%; bà Phạm Thị Mai Phương, tỷ lệ 10,113%; ông Trần Ngọc Dũng, tỷ lệ 13,986%; ông Đặng Hữu Tiến (BKS đề cử) và ông Trịnh Bảo Quốc, tỷ lệ 10,204%.
Thông tin trước thềm Đại hội
5 ngày trước khi Đại hội diễn ra, HĐQT đã chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Phạm Hữu Phú và bổ nhiệm ông Trần Tuấn Lộc, Phó Tổng Giám đốc thường trực Eximbank giữ chức vụ Quyền Tổng Giám đốc.
Ông Trần Tấn Lộc sinh năm 1969, học vị Tiến sĩ Kinh tế chuyên ngành Tài chính Ngân hàng. Ông Trần Tấn Lộc có 20 năm công tác tại Eximbank và đã qua nhiều vị trí tại các phòng ban khác nhau tại Eximbank trước khi bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Thường trực từ năm 2007. Trước khi về làm việc tại Eximbank, ông đã có 05 năm công tác tại Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh TP.HCM (Vietcombank).
So với nội dung tờ trình dự kiến, sáng nay danh sách thành viên ứng cử HĐQT không còn sự tham gia của Ngô Trần Phước Vũ và ông Trần Ngọc Tâm, hai ứng viên được nhóm cổ đông đại diện cho hơn 10% cổ phần có quyền biểu quyết đề cử vào HĐQT Eximbank. Ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm nguyên là lãnh đạo của Ngân hàng Nam Á, trong đó ông Vũ nguyên là Tổng Giám đốc và ông Tâm là Phó Tổng Giám đốc thường trực.
Tại Đại hội lần này, số lượng thành viên dự kiến được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ này là 11 người. Tối thiểu 1/2 tổng số thành viên HĐQT phải là người không điều hành và thành viên độc lập, trong đó tối thiểu 1 thành viên HĐQT độc lập. Chủ tịch HĐQT có thể là thành viên HĐQT độc lập.
Số lượng thành viên dự kiến được bầu vào BKS là 5 người.

Tiếp tục cập nhật