Bảo hiểm hưu trí tự nguyện chờ 'bùng nổ'

Năm 2015, doanh thu bảo hiểm hưu trí tự nguyện dự kiến đạt 279 tỷ đồng, đây là con số tương đối khả quan sau gần 2 năm triển khai nghiệp vụ bảo hiểm này.

Đặc biệt, với sự sẵn sàng của thị trường và của chính doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), phí bảo hiểm của nghiệp vụ này sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLBH), Bộ Tài chính Doãn Thanh Tuấn nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, doanh thu dự kiến của bảo hiểm hưu trí tự nguyện năm 2015 là 279 tỷ đồng, ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Ông Doãn Thanh Tuấn: Bảo hiểm hưu trí tự nguyện (HTTN) do các DNBH nhân thọ triển khai, bổ sung cho bảo hiểm hưu trí bắt buộc, tạo nên một hệ thống an sinh xã hội tương đối toàn diện, đầy đủ, đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo hiểm hưu trí của người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế. Ngoài ra, thông qua việc huy động nguồn phí bảo hiểm từ người lao động và chủ sử dụng lao động, các DNBH sẽ tập hợp được nguồn vốn lớn và dài hạn, góp phần thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh tế - xã hội.

doãn thanh tuấn

Ông Doãn Thanh Tuấn

Hiện nay, có 6 DNBH nhân thọ triển khai bảo hiểm HTTN. Doanh thu phí bảo hiểm HTTN năm 2015 đạt gần 279 tỷ đồng với 20.000 khách hàng. Kết quả ban đầu như vậy theo tôi là khả quan, bởi vì chúng tôi xác định ngay từ ban đầu khi đặt ra các tiêu chuẩn và yêu cầu đối với bảo hiểm HTTN là rất cao, bao gồm tiêu chuẩn về vốn, quản trị, công nghệ…, để lựa chọn DNBH mạnh nhất cung cấp sản phẩm nhằm mang đến quyền lợi tốt nhất cho người lao động. Hy vọng sản phẩm này sẽ từ từ phát triển. Và kết quả của năm thứ hai triển khai khả quan đã chứng minh điều đó.

PV: Các chuyên gia trong ngành cho rằng, tiềm năng của bảo hiểm HTTN rất lớn. Ông có kỳ vọng doanh thu bảo hiểm HTTN sẽ “đột phá” trong thời gian tới?

Ông Doãn Thanh Tuấn: Hiện nay mới có 20.000 khách hàng tham gia bảo hiểm HTTN, nếu so với khoảng 53 triệu người lao động làm việc thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế tại gần 8.000 doanh nghiệp lớn, khoảng 16.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ,... có thể nói bảo hiểm HTTN có cơ hội rất lớn để phát triển mạnh mẽ.

Với sự sẵn sàng của thị trường và của các DNBH, tôi tin rằng phí bảo hiểm của nghiệp vụ bảo hiểm HTTN sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, bảo hiểm HTTN mới bắt đầu triển khai nên không kỳ vọng quá cao trong việc giúp thị trường bảo hiểm nhân thọ nói chung tăng trưởng đột biến trong năm 2016. Trong thời gian đầu triển khai, cơ quan quản lý mong muốn có bước tiến chậm nhưng chắc chắn để người lao động có quyền lợi tối ưu và bền vững.

PV: Bộ Tài chính đã, đang và sẽ có những chính sách nào để khuyến khích doanh nghiệp mua bảo hiểm HTTN cho cán bộ, nhân viên của mình?

Ông Doãn Thanh Tuấn: Trong 2 năm gần đây, Bộ Tài chính đã ban hành chính sách ưu đãi cho người chủ doanh nghiệp (DN) trong việc sử dụng chi phí để mua bảo hiểm hưu trí cho người lao động và cũng có chính sách riêng khuyến khích cho người lao động được khấu trừ thuế khi tham gia bảo hiểm HTTN. Đối với mỗi đối tượng này quy định mức được khấu trừ thuế là 1 triệu đồng/tháng, 12 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, Nhà nước cũng có chính sách khuyến khích các DNBH tham gia cung cấp sản phẩm bảo hiểm này. Bên cạnh việc DNBH phải đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn rất cao theo quy định, chúng tôi đã đẩy mạnh cải tiến thủ tục hành chính nhằm phục vụ DNBH tham gia cung cấp sản phẩm hưu trí cũng như tháo gỡ khó khăn nhất định về hệ thống phân phối, để sản phẩm đến với người tham gia rộng nhất, gần nhất; đặt ra các quyền lợi hưu trí cao để sản phẩm được thiết kế bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Gần đây, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 130/2015/TT-BTC ngày 25/8/2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 115/2013/TT-BTC ngày 20/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện, theo đó, quy định quyền lợi linh hoạt hơn cho người lao động trong việc có thể sử dụng một phần tiền tích luỹ đảm bảo khi điều kiện bất khả kháng xảy ra.

Ngoài ra, Cục QLBH sẽ tiếp tục chủ trì phối hợp với DNBH, các đơn vị trong Bộ Tài chính để nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy bảo hiểm HTTN, như chính sách về thuế, đầu tư…, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa đạng của người lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội.

PV: Thời gian tới sẽ có thêm bao nhiêu DNBH nhân thọ tham gia cung cấp sản phẩm bảo hiểm HTTN, thưa ông?

Ông Doãn Thanh Tuấn: Về nguyên tắc, cơ quan quản lý không hạn chế việc tham gia cung cấp sản phẩm bảo hiểm HTTN của các DNBH. Tuy nhiên, do đòi hỏi rất khắt khe nên để được cấp phép tham gia thị trường thì bản thân DNBH cần bổ sung và cần có thêm thời gian. Trong số 11 DNBH còn lại, hiện chưa nhận thêm được hồ sơ của DNBH nhân thọ nào.

PV: Xin cảm ơn ông!