Về tính đóng BHXH đối với thời gian nghỉ thai sản 

Ông Phạm Quang Thiện, công tác tại một trường tiểu học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (thiendakha@yahoo.com...) đề nghị giải đáp một số thắc mắc liên quan đến việc đóng BHXH trong thời gian một giáo viên nhà trường nghỉ thai sản.

Theo phản ánh của ông Thiện, bà Y Lan, giáo viên của trường được Bệnh viện chỉ định thai lưu 25,5 tuần (trên 6 tháng). Bà Lan nghỉ việc 50 ngày. Căn cứ quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và hướng dẫn tại Thông tư số 41/2009/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Thiện cho rằng, cả người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH cho thời gian nghỉ việc nhưng vẫn được tính là thời gian có đóng BHXH.

Tuy nhiên, Công văn số 1188/BHXH-CSXH ngày 6/4/2010 của BHXH Việt Nam lại hướng dẫn "Thực hiện thu BHXH đối với thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại khoản 2, Điều 1 Thông tư số 41/2009/TT-BLĐTBXH…".

Do đó, cô Y Lan và đơn vị đã phải đóng BHXH cho thời gian cô nghỉ chế độ thai sản.

Ông Thiện đề nghị được giải đáp việc không nhất quán trong các hướng dẫn nêu trên.

Vấn đề ông Thiện nêu, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Trưởng ban Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 1 Thông tư số 41/2009/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, thì cả người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH trong tháng đó nhưng vẫn được tính là thời gian có đóng BHXH.

Tuy nhiên, trước khi có quy định về nội dung này, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 3606/BHXH-CSXH ngày 20/10/2008. Theo hướng dẫn tại tiết g điểm 1.7 khoản 1 của Công văn, đối với trường hợp số ngày nghỉ hưởng thai sản không đủ tháng thì số ngày còn lại trong tháng (không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ tết và ngày nghỉ hàng tuần) người lao động và người sử dụng lao động phải đóng BHXH theo quy định. Mức tiền lương, tiền công đóng BHXH một ngày được tính theo tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH cuối cùng trước khi nghỉ hưởng chế độ thai sản chia cho 26 ngày.

Vì vậy, khi có quy định của Thông tư số 41/2009/TT-BLĐTBXH nêu trên, BHXH Việt Nam đã căn cứ quy định này chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện thu BHXH theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 41/2009/TT-BLĐTBXH (nếu nghỉ từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng, dưới 14 ngày thì vẫn đóng bình thường) và thôi không thực hiện thu BHXH theo quy định trước đây (nội dung này được thể hiện trong nội dung tổ chức thực hiện quy tại tiết c, Điểm 3.1, Khoản 3 Công văn số 1188/BHXH-CSXH ngày 06/4/2010 của BHXH Việt Nam).

Với nội dung nêu trên, Công văn số 1188/BHXH-CSXH ngày 06/4/2010 của BHXH Việt Nam hướng dẫn thực hiện Thông tư số 41/2009/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là đúng quy định và trường hợp bà Y Lan nghỉ việc do bị thai chết lưu thì thời gian nghỉ việc tính đóng BHXH được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 1 Thông tư số 41/2009/TT-BLĐTBXH.