Quốc hội tranh luận gay gắt về điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội

Trước hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ sửa điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết sẽ phát phiếu thăm dò ý kiến đại biểu, sau đó mới xem xét quyết định.

Không đồng tình sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (hiệu lực từ 1/1/2016), đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi: "Có phải tất cả người lao động về một lần đều thực sự khó khăn? Liệu số tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần có giải quyết được khó khăn trước mắt của bản thân và gia đình khi mà báo cáo của Chính phủ trong 5 năm 2010-2014 cho thấy trên 2,3 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì gần một triệu người mới làm việc một năm, tức là hưởng tối đa là 1,5 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội".

Bà Thúy phân tích, thực tế phần lớn người ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội là từ nông thôn đi làm tại các khu công nghiệp. Nhiều người làm các công việc ngắn hạn và thời vụ nên việc nhận thức tích lũy số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu còn hạn chế. Do đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 để người lao động nhận thức đầy đủ hơn.

"Giải pháp tốt nhất hiện nay là đề nghị Quốc hội ra nghị quyết cho phép người lao động sau một năm nghỉ việc được quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng. Sau một thời gian thực hiện cần có báo cáo tổng kết đánh giá, lúc đó chúng ta xem xét có cần bổ sung quy định này vào Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 hay không?", đại biểu Thúy đề xuất.

Dang-Ngoc-Tung-Dong-Nai-4358-1432713742.

Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho hay luật BHXH 2014 còn nhiều bất cập. Ảnh: Giang Huy.

Đồng quan điểm với bà Thúy, đại biểu Hồ Thu Thủy lên tiếng: "Đừng nhìn nhận một hiện tượng mà đánh giá bản chất, làm méo mó chính sách nhà nước, đi ngược lại quy luật, xu thế các nước phát triển".

Đại biểu Thủy khẳng định mục tiêu xây dựng Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 hoàn toàn đúng với chủ trương của nhà nước, nội dung điều luật phù hợp với xu hướng phát triển chung, quy trình, thủ tục xây dựng dự luật đến khâu thẩm tra, lấy ý kiến tiếp thu, chỉnh lý và thông qua đều được đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình.

Bày tỏ tâm trạng không vui khi Luật Bảo hiểm xã hội chưa có hiệu lực mà một bộ phận người lao động đã phản ứng, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội để sửa, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng nếu Quốc hội chọn phương án sửa luật thì phải làm đúng theo quy định, tránh càng sửa càng sai. "Quốc hội cần rút kinh nghiệm trong quá trình làm luật, nhất là khi đã có tiền lệ, cần chuẩn bị một số tình huống xảy ra, tránh lúng túng như hiện nay", đại biểu Phương bình luận.

Không đồng tình với các quan điểm trên, đại biểu Ngô Văn Minh đặt vấn đề: "Báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Các vấn đề xã hội đều nói luật được làm đúng quy trình. Nhưng hôm nay đề nghị sửa có nghĩa là quá trình làm luật có vấn đề, ít nhất là trong việc lấy ý kiến người bị điều chỉnh trực tiếp từ luật, cụ thể là những công nhân phản ứng".

Đại biểu Minh cho rằng, việc lấy những tồn tại của chích sách 176 về giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần để bảo vệ cho Điều 60 là không thỏa đáng vì thời điểm ban hành chính sách 176 có những điều kiện kinh tế xã hội khác hiện nay.

Nguyen-Thi-Quyet-Tam-HCM-8233-1432713742

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đã xuống lắng nghe tâm tư nguyện vong của người lao động về Điều 60. Ảnh: Giang Huy.

Là người trực tiếp xuống nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động sau khi có phản ứng Điều 60, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm kể: "Gặp người lao động thấy xanh xao, mệt mỏi mà xót xa và mới hiểu được rằng vì sao người lao động đặt ra vấn đề này". Bà phân tích, đối với người có tiền, có điều kiện thì vài triệu là ít. Nhưng với lao động thì rất khó khăn nên vài triệu là cả tài sản mà họ phải làm việc cật lực mới có được.

"Khi xem xét điều luật này, tôi chưa thực sự hiểu đầy đủ nguyện vọng của người lao động, cứ nghĩ mình làm luật như vậy là vì họ. Nhưng trong từng trường hợp cụ thể thì lại thấy Điều 60 thiếu thực tiễn. Nguyện vọng của người lao động là hợp lý, chính đáng", đại biểu TP HCM bày tỏ tâm tư.

Chốt lại phiên thảo luận tại hội trường về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sáng 27/5, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tổng kết, nhiều đại biểu muốn Quốc hội có một nghị quyết về việc bảo lưu Điểm c, Khoản1, Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 đến một thời gian nào đó. Sau khi đánh giá tổng kết, thăm dò ý kiến một cách toàn diện đầy đủ đối tượng người lao động, Quốc hội sẽ tính đến việc có sửa hay không sửa Điều 60.

"Quốc hội dự kiến gửi phiếu thăm dò ý kiến đến các đại biểu về vấn đề này, sau đó sẽ xem xét quyết định theo ý kiến chung của đại biểu Quốc hội", Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nói.

Từ ngày 26/3, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam (100% vốn Đài Loan), có trụ sở tại quận Bình Tân, TP HCM, và một số doanh nghiệp ở Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, đã ngừng việc tập thể phản đối quy định tại điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 (được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014 và có hiệu lực từ 1/1/2016).

Theo điều 60, người lao động không được nhận hỗ trợ một lần ngay sau khi nghỉ việc như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian chấm dứt hợp đồng, người lao động được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm... Đến khi người lao động trở lại làm việc, thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn, tích luỹ đủ để đến tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu theo quy định.

Lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đối thoại với công nhân, cam kết đề nghị Chính phủ, Quốc hội sửa điều 60 theo hướng linh hoạt, cho phép lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc.