OPEC: Nhu cầu dầu thô sẽ tiếp tục giảm cho tới 2020

(NDH) Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhận định nhu cầu sử dụng dầu mỏ của OPEC sẽ đi xuống cho tới hết thập kỷ này do các đối thủ tăng cung, nhưng sẽ không giảm mạnh như dự đoán trước đó.

Trong báo cáo Triển vọng Dầu mỏ Thế giới (WOO) thường niên công bố ngày 23/12, OPEC cho biết họ sẽ cần phải bơm vào thị trường 30,7 triệu thùng dầu/ngày từ bây giờ cho tới hết năm 2019 để giữ thị phần. Con số này nhiều hơn mức dự báo 29 triệu thùng/ngày đưa ra cách đây một năm và thấp hơn 1 triệu thùng so với sản lượng dầu được OPEC đưa ra thị trường hồi tháng 11/2015.

Dự báo này nêu bật cuộc đấu tranh bảo vệ thị phần của OPEC trước những đối thủ Nga và Mỹ. Trong khi OPEC đang quen dần với sự tăng trưởng của các đối thủ, sự sụt giảm mạnh của giá dầu đồng nghĩa với việc chi phí tài chính cho chiến lược của tổ chức này là rất lớn.

Đại diện của OPEC cho biết mặc dù giá dầu thấp hơn tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tăng trưởng nhẹ, nhưng tác động của chúng dường như sẽ hạn chế bởi các yếu tố khác. Bên cạnh việc một số quốc gia loại bỏ các khoản trợ cấp và sự kiểm soát giá cả của các mặt hàng xăng dầu, việc nâng cao hiệu quả sử dụng dầu mỏ liên tục nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạn chế sự tăng trưởng trong nhu cầu sử dụng dầu mỏ.

Mức sản lượng mục tiêu 30,7 triệu thùng dầu/ngày của 12 thành viên OPEC vào năm 2020 vẫn cao hơn mức mục tiêu của năm nay 300.000 thùng bởi trước khi loại bỏ hạn mức sản xuất vào đầu tháng này, OPEC đã liên tục bơm dầu vào thị trường vượt mức mục tiêu.

Mức sản lượng OPEC cần sản xuất mỗi ngày cho tới hết thập kỷ

OPEC giả định rằng giá dầu danh nghĩa sẽ tăng lên mức khoảng 80 USD/thùng và giá dầu thực tế sẽ là 70,7 USD/thùng vào năm 2020. Vào năm trước, giả thiết được OPEC đưa ra với giá dầu danh nghĩa và thực tế lần lượt là 110 USD/thùng và 95,4 USD/thùng. Điều này đồng nghĩa với việc khi OPEC áp dụng chính sách bảo vệ thị phần, giá trị sản lượng của tổ chức này vào năm 2020 sẽ là 218 tỷ USD – thấp hơn mức ước tính năm 2014.

Tổ chức dầu mỏ lớn nhất thế giới cũng đã điều chỉnh mức nhu cầu dầu mỏ trên thế giới tăng thêm 500.000 thùng, đạt mức 97,4 triệu thùng/ngày vào năm 2020. Tới thời điểm đó, mức tiêu thụ nhiên liệu tại các thị trường mới nổi sẽ vượt các nền kinh tế công nghiệp thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

OPEC đã hạ dự đoán về sản lượng dầu mỏ của các quốc gia không thuộc OPEC xuống còn 60,2 triệu thùng/ngày, giảm 1 triệu thùng/ngày so với dự đoán trước, bởi “sự bất ổn của thị trường” dẫn tới việc cắt giảm số giàn khoan và đầu tư. Nguồn cung từ các quốc gia ngoài OPEC vẫn sẽ tăng 2,8 triệu thùng/ngày cho tới năm 2020, trong đó bao gồm 800.000 thùng dầu đá phiến của Mỹ. Khi kết hợp với một số dữ liệu đặt ra hồi giữa năm 2015, OPEC cho rằng triển vọng dầu mỏ “ảm đạm bởi những bất ổn.”

Báo cáo WOO của OPEC cũng đưa ra các dự báo cho tới năm 2040, trong đó cho rằng trong giai đoạn 2020 – 2040 các quốc gia sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC sẽ giảm sản lượng từ 60,2 triệu thùng/ngày xuống còn 59,7 triệu thùng/ngày. Do đó, nhu cầu sử dụng dầu thô từ OPEC sẽ tăng lên mức 40,7 triệu thùng/ngày, khiến thị phần toàn cầu của tổ chức này tăng lên 37%.

Theo các điều khoản năm 2014, gần 10 nghìn tỷ USD sẽ cần được đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ cho tới năm 2040 nhằm phát triển nguồn cung theo yêu cầu, trong đó 7,2 nghìn tỷ USD là dành cho thăm dò và sản xuất. Các nhà sản xuất không thuộc OPEC sẽ cần đầu tư khoảng 250 tỷ USD mỗi năm.