Khó thu hồi nợ thuế vì doanh nghiệp chây ỳ

Khó thu hồi nợ thuế vì doanh nghiệp chây ỳ

Theo báo cáo nhanh của 63 cục thuế về tình hình nợ thuế, tính đến hết tháng 9/2015 còn có 76.000 tỷ đồng nợ thuế chưa thể thu hồi, trong đó nợ trên 90 ngày là 44.050 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cho biết, mặc dù đã rất sát sao thực hiện các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ, nhưng doanh nghiệp vẫn chây ỳ không chịu nộp thuế.

Nợ khó thu hồi chiếm hơn 15%

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, nhóm nợ khó thu do các nguyên nhân: chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; liên quan đến trách nhiệm hình sự; đã giải thể, lâm vào tình trạng phá sản… khoảng 12.172 tỷ đồng, chiếm 15,9% tổng số tiền nợ thuế, tăng 2,6% so với thời điểm 31/12/2014.

Tính đến 30/9/2015 toàn ngành thuế có 76.000 tỷ đồng nợ thuế, tăng khoảng 4% so với thời điểm 31/12/2014, trong đó nợ trên 90 ngày giảm 2,2% so với cuối năm 2014; các khoản phạt và tiền chậm nộp là 15.978 tỷ đồng, chiếm 20,9% tổng số tiền nợ; nhóm nợ chờ xử lý (các trường hợp đang thẩm định để xử lý miễn, giảm; xử lý gia hạn nộp thuế; xử lý xóa nợ; xử lý bù trừ hoàn) là 3.300 tỷ đồng, chiếm 4,3% tổng số nợ thuế, giảm 0,2% so với thời điểm 31/12/2014.

Ông Đoàn Xuân Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, nguyên nhân dẫn đến khó thu hồi nợ thuế là do ý thức tuân thủ pháp luật về thuế của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế nên chây ỳ, để nợ thuế kéo dài. Có trường hợp người nộp thuế lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn, nhà nước có chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế để cố tình nợ thuế nhằm trốn tránh, trì hoãn nghĩa vụ nộp thuế.

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách hiện vẫn còn bất cập dẫn đến nhiều khoản nợ không thể thu hồi được nhưng cũng không thể xử lý xóa được vì chưa có quy định xử lý với các trường hợp này. Vì thế cơ quan thuế vẫn phải theo dõi, tính tiền phạt chậm nộp, làm tăng số nợ đọng thuế lũy kế.

Việc thực hiện cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp trích tài khoản ngân hàng gặp nhiều khó khăn do các tổ chức tín dụng chưa cung cấp thông tin kịp thời, chủ yếu cơ quan thuế chỉ nắm được những số tài khoản không có dư hoặc số dư nhỏ không đủ để thực hiện cưỡng chế. Việc thu thập thông tin về tài khoản của người nợ thuế mất nhiều thời gian và nhân lực do người nợ thuế mở tài khoản tại nhiều ngân hàng đóng trên nhiều địa bàn khác nhau.

Cũng theo ông Toản, hiện nay Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý thuế hiện hành không có quy định đối với các chủ thể nợ tiền thuế thì không được phép thành lập công ty mới dù chỉ là thành viên góp vốn, dẫn đến hiện tượng một số người nộp thuế có nợ tiền thuế, hoặc bị truy thu với số tiền thuế lớn không có khả năng thanh toán, bỏ khỏi địa điểm kinh doanh để thành lập công ty khác. Luật Quản lý thuế hợp nhất đã cho phép người nộp thuế được nộp dần tiền nợ thuế. Tuy nhiên, theo quy định, để được nộp dần, người nộp thuế phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh nên trong thực tế hầu như rất hiếm trường hợp được nộp dần.

Tiếp tục công khai thông tin doanh nghiệp chây ỳ

Để tăng cường các biện pháp thu hồi nợ thuế, Tổng cục Thuế cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện công khai thông tin người nộp thuế chây ỳ, không nộp tiền thuế đúng thời hạn trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo, đài phát thanh, đài truyền hình, trang thông tin điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tiếp tục lựa chọn các trường hợp nợ thuế lớn thuộc diện công khai thông tin theo quy định của pháp luật, bao gồm các trường hợp nợ khoản thu liên quan đến đất đai để thực hiện cưỡng chế.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cục thuế các địa phương phải thường xuyên theo dõi, tổng hợp chính xác số tiền thuế nợ để kịp thời tham mưu cho tổng cục kịp thời đôn đốc các khoản tiền nợ thuế, hạn chế tình trạng khi cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra mới phát hiện số tiền thuế ẩn lậu, nợ đọng đã phát sinh. Đôn đốc ngay tiền thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN) khi hết thời gian gia hạn nộp thuế.

Để các cấp, các ngành cùng vào cuộc, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo các ngành trên cùng địa bàn như: Kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan kế hoạch đầu tư… phối hợp với cơ quan thuế để thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN. Có cơ chế khen thưởng, động viên đối với tổ chức, cá nhân có thành tích, phối hợp tốt với cơ quan thuế trong việc đôn đốc thu hồi nợ thuế.

Thu hồi khoảng 25.000 tỷ đồng nợ từ 2014

Theo Tổng cục Thuế, tính đến 30/9/2015, bằng các biện pháp đôn đốc thu nợ, toàn ngành đã thu được khoảng 25.000 tỷ đồng năm 2014 chuyển sang năm 2015, đạt tỷ lệ 53,7%. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 19.000 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 6.000 tỷ đồng.